Nguồn gốc Tía Hán và lam Hán

Lam Hán và lam Ai Cập

Lam Hán và lam Ai Cập có cùng một cấu trúc cơ sở và có các tính chất rất giống nhau.[4] Khác biệt ở chỗ lam Ai Cập (CaCuSi4O10) có canxi thay vì bari của lam Hán (BaCuSi4O10). Các điểm tương đồng này làm một số tác giả cho rằng lam Hán là dựa theo kiến thức về lam Ai Cập, đã được truyền sang phía đông theo con đường Tơ lụa.[10] Sự cải tiến độc lập tại Trung Quốc vẫn là cần thiết để thay thế canxi bằng bari, do các chất màu tía và lam Hán bắt đầu hình thành ở 100–200 °C cao hơn so với lam Ai Cập.[10][14] Các gợi ý là:

  • Các kỹ thuật tráng men kim loại kiềm thời kỳ đầu là dựa theo kiến thức từ Ai Cập, nhưng các chất màu gốc đồng silicat (lam Ai Cập và lam Hán) đã phát triển từ các loại men này ở hai khu vực độc lập là Ai Cập và Trung Quốc.[4]
  • Ngoài ra, các mẫu vật màu lam Hán có trước khi có con đường tơ lụa chính thức và vì thế sự phát triển là hoàn toàn độc lập.[14]

Phát minh của Trung Quốc

Các luận điểm chống lại mối liên kết giữa lam Ai Cập và lam Hán bao gồm sự thiếu vắng chì trong lam Ai Cập và không có bất kỳ mẫu vật màu lam Ai Cập nào ở Trung Quốc.[14]

Sử dụng các hợp phần thạch anh, bari và chì trong thủy tinh Trung Quốc cổ đại cũng như trong tía Hán và lam Hán được sử dụng như là một gợi ý về mối liên kết giữa sản xuất thủy tinh và sản xuất các chất màu này,[1] và để chứng tỏ về phát minh độc lập của người Trung Quốc.[14] Các nhà giả kim Đạo giáo có thể đã phát triển tía Hán từ kiến thức của họ về sản xuất thủy tinh.[14]

Sự tăng trưởng và sụt giảm của thủy tinh bari cũng như tía Hán và lam Hán là theo các mô hình tương tự. Cả hai đều đạt đỉnh cao trong thời Hán và sau đó suy giảm.[14] Khoảng thời gian từ các triều đại Tiền-Hán cho tới thời Đường cho thấy sự dịch chuyển từ loại thủy tinh chì - bari - silicat sang loại thủy tinh chì - natri (soda) - canxi (vôi).[15] Nguyên nhân của sự suy giảm vẫn gây tranh cãi. Liu et al.[14] gán sự sụt giảm này với sự suy giảm của Đạo giáo khi Khổng giáo được giới thiệu, do các tác giả này gán việc sản xuất các chất màu với hệ tư tưởng của Đạo giáo. Berke (2007) lại tin rằng các thay đổi chính trị đã ngăn chặn sự phân phối các chất màu do đế quốc Trung Hoa bị chia cắt vào cuối thời Hán.[4]